kiến thức y khoa

Mẹ ăn đủ chất, con không bị dị tật
[ Cập nhật vào ngày (26/05/2015) ]

Mẹ thiếu iốt có thể sinh ra con bị suy giáp bẩm sinh, đần độn, trở thành gánh nặng cho gia đình; mẹ thiếu axit folic (vitamin B9), bé sẽ bị hở đốt sống, sinh ra sẽ tử vong...


Trong một buổi nói chuyện mới đây với các thành viên của Hội quán các bà mẹ, bác sĩ Vũ Thị Thanh Dung, Trưởng khoa 2 Sản phụ khoa, Bệnh viện Hùng Vương, cho rằng ngày nay trẻ bị dị tật bẩm sinh nhiều, một phần do mẹ ăn uống không hợp lý. Theo bà, dinh dưỡng rất cần cho con, nhưng cũng cần cả cho mẹ vì khi mang bầu, mẹ phải nuôi thai, đồng thời phải nuôi cả một hệ thống kèm theo như bánh nhau; ngực, âm đạo, tử cung đều tăng kích cỡ để phục vụ cho việc nuôi dưỡng và đón thai nhi ra sau nay.

Cơ thể bà bầu bao giờ cũng nóng hơn người bình thường do phải chuyển hóa thức ăn thành dinh dưỡng vào trong máu, dẫn đến mất nhiều năng lượng. Khi mang thai, hồng cầu của mẹ cũng đòi hỏi phải tăng. Trung bình, nếu mẹ tăng 12 kg thì cơ thể sẽ có nhiều hơn 1,5 lít máu.

Mẹ nên chuẩn bị dinh dưỡng cho mình từ trước khi mang thai. Bởi trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ thường bị nghén, ăn không nổi, ăn bao nhiêu là ói bấy nhiêu. Cũng may, lúc này thai nhi phát triển chậm, phôi nhỏ, đứa trẻ có thể lấy dinh dưỡng từ dự trữ ở máu và mô mỡ trong cơ thể người mẹ.

Theo bác sĩ Thanh Dung, nghén là điều hết sức tự nhiên, do cơ thể mẹ phản ứng với dị vật. Bởi trong một đứa trẻ, chỉ có ½ là từ cơ thể của người mẹ, còn ½ là thuộc gen của người bố, là yếu tố dị vật với cơ thể mẹ. Cơ thể mẹ đã dị ứng khi nhận một sinh vật mà chứa tới một nửa là yếu tố ngoại lai. Người mẹ càng dị ứng cao thì đứa trẻ càng giống bố nhiều hơn.

Image

Ngoài ra, trong 3 tháng đầu, sự gia tăng của các hoóc môn để giúp tạo bánh nhau cũng khiến cơ thể mẹ khó thích nghi. Và nghén xảy ra, mỗi người mỗi kiểu, khả năng không thích ứng tùy thuộc từng người. Thậm chí có người mang thai con so không nghén nhưng mang thai con rạ lại nghén rất nặng.

Do nghén nên trong ba tháng đầu, mẹ thường chỉ tăng 1-2 kg, có người không tăng, thậm chí còn giảm cân. Bác sĩ khuyên, tốt nhất mẹ cố gắng đừng để giảm cân. Thời điểm nào trong ngày không nghén, mẹ hãy tranh thủ uống thêm một viên vitamin tổng hợp, ăn những thứ có nhiều nước để dễ nuốt, và cố gắng ăn bất kỳ thứ gì cũng được. Hãy tìm cách đưa dinh dưỡng vào cơ thể mọi cách, trong mọi tình huống linh hoạt.

6 tháng sau của thai kỳ, dưỡng chất rất quan trọng. Lúc này, thai nhi bắt đầu phát triển nhanh. Nhưng rất may là cơ thể mẹ đã dần thích nghi với việc mang bầu nên đã bớt nghén và việc ăn uống dễ dàng hơn. Vì thế mẹ nên tập trung ăn. Mỗi ngày cơ thể mẹ cần được cung cấp 2.500-2.600 calo. Mẹ có thể bổ sung bằng cách uống thêm 2 ly sữa mỗi ngày, ăn thêm 2 bữa phụ mỗi ngày, hoặc ăn thêm 2 chén cơm mỗi bữa, tùy điều kiện và sở thích.

Và đây là những dinh dưỡng mẹ cần nạp vào cơ thể nếu muốn mẹ con cùng khỏe mạnh.

Đạm: Có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa và trong cả rau.

Đạm giúp cơ thể tạo máu, đưa oxy nuôi dưỡng thai nhi, cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh cũng như toàn bộ cơ thể trẻ.

Canxi:
 Khi có bầu, thai phụ cần bổ sung 1.000 mg canxi mỗi ngày. Thậm chí những bà mẹ tuổi teen cần từ 1.300 đến 1.400 mg canxi mỗi ngày để mẹ con cùng phát triển.

Tuy nhiên, theo cách ăn truyền thống của người Việt, chỉ có thể tăng thêm 300 mg/ngày. Vì vậy mẹ nên uống thêm sữa hoặc ăn sản phẩm từ sữa, ăn thêm 100-200 g cá tôm hải sản, nên chế biến để ăn được cả xương, hoặc uống thêm canxi.

Nếu không nhận được đủ canxi, hệ xương của bé sẽ kém phát triển và bé sẽ chậm mọc răng. Trẻ con thiếu canxi thường quấy khóc rất nhiều, cơ thể tím tái do hạ canxi huyết.

Khi mẹ nạp canxi vào cơ thể, đầu tiên canxi được ưu tiên dành bé. Nếu bé không được cung cấp đủ canxi, bé sẽ lấy canxi dự trữ từ xương của mẹ. Mẹ thiếu canxi sau này thường hay bị tê tay, tê chân, vọp bẻ, hư răng, lưng còng.

Sắt: Là thành phần chính cấu tạo nên hồng cầu, mang oxy đến nuôi bé. Đặc biệt, sắt cũng là thành phần trong cấu trúc của hệ thần kinh, não bộ của bé. Nếu thiếu sắt, trẻ thường bị sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển trong tử cung, và kém thông minh.

Mẹ nên ăn nhiều thịt đỏ, rau xanh, gan, cá, đậu, lòng đỏ trứng. Mẹ có thể uống thêm một ly nước cam mỗi ngày để có vitamin C giúp chuyển hóa sắt, tuyệt đối không dùng sản phẩm chứa cafein vì đây chính là chất hạn chế sự chuyển hóa sắt.

Axit folic
 (còn gọi là Folate, Folacin, vitamin B9) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ thần kinh trung ương của trẻ. Thiếu axit folic trẻ sẽ bị hở đốt sống, sinh ra sẽ tử vong. Axit folic cần thiết ngay từ tuần đầu tiên của thai kỳ, mẹ nên bổ sung axit folic một vài tháng trước khi mang thai.

Axit folic có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, hạt lạc vừng, trái cây như cam bưởi, rau. Rau càng xanh càng chứa nhiều axit folic (như rau dền, mồng tơi, cải bó xôi, súp lơ xanh). Vì axit folic dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên khi ăn, tốt nhất là dùng cách trần hoặc nhúng như nhúng rau trong lẩu.

Iốt: Mẹ thiếu iốt sẽ bị bướu cổ còn con thì suy tuyến giáp bẩm sinh, đần độn, học kém, trở thành gánh nặng cho gia đình. Ngày nay mẹ có thể dễ dàng bổ sung iốt qua việc nêm thức ăn bằng muối iốt hay bột canh iốt.

Kẽm: Có nhiều trong hải sản, hàu sò… Nếu thiếu kẽm, mẹ thường bị tăng mức độ nghén. Khi mang thai, thiếu kẽm mẹ dễ bị nhiễm trùng và lâu khỏi bệnh, còn thai nhi dễ bị chết lưu.

Omega, DHA: Tốt cho sự phát triển của não và thị giác của bé. Có nhiều trong cá hồi, cá cơm.

Tuy khuyên các thai phụ thèm gì ăn nấy để có thể cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho cả hai mẹ con, nhưng bác sĩ Dung cũng cảnh báo chị em nên hạn chế ăn đồ ngọt, đặc biệt là người béo, tăng cân nhanh và có nguy cơ tiểu đường. Bởi đồ ngọt làm tăng cân nhanh nhưng không có nhiều dưỡng chất. Mẹ bị tiểu đường, thai dễ bị chết lưu hoặc con dị tật tim mạch, thần kinh bẩm sinh, thai nặng cân nhưng dễ suy hô hấp, chấn thương trong cuộc sinh.

Bình thường, nếu mẹ không có bệnh lý (phù nề, tiểu đường), mẹ tăng 12 kg trong thai kỳ, con sinh ra thường nặng từ 2,8 đến 3 kg. Bác sĩ Thanh Dung cho rằng lý tưởng nhất là mẹ tăng cân trong khoảng 11 đến 15 kg, tuy nhiên cần xét trên tổng thể, nếu mẹ béo mập sẵn thì chỉ cần tăng 6-7 kg, nhưng nếu mẹ gầy gò trước khi mang bầu thì nên tăng nhiều cân hơn.



Nguyễn Hoàng Tấn Tài Theo VnExpress




Thông báo


Tìm kiếm

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO

Nobel Y Khoa 2016