tin tức y tế

MẸ CHỦ ĐỘNG KHÁM THAI ĐỊNH KỲ, ĐÚNG LỊCH ĐỂ GIẢM THIỂU SINH NON TỪ NHỮNG NGUYÊN NHÂN PHÒNG TRÁNH ĐƯỢC
[ Cập nhật vào ngày (04/11/2024) ]
MẸ CHỦ ĐỘNG KHÁM THAI ĐỊNH KỲ, ĐÚNG LỊCH ĐỂ GIẢM THIỂU SINH NON TỪ NHỮNG NGUYÊN NHÂN PHÒNG TRÁNH ĐƯỢC
MẸ CHỦ ĐỘNG KHÁM THAI ĐỊNH KỲ, ĐÚNG LỊCH ĐỂ GIẢM THIỂU SINH NON TỪ NHỮNG NGUYÊN NHÂN PHÒNG TRÁNH ĐƯỢC

Sinh non có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ sơ sinh, tăng nguy cơ tử vong chu sinh. Theo dõi thai kỳ thường xuyên là biện pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng sinh non, đặc biệt ở những thai phụ đã từng có tình trạng sinh non trước đó.


Trẻ sinh non khi có tuổi thai lúc sinh từ 22- trước 37 tuần. Trẻ sinh càng non, các nguy cơ sức khỏe càng nghiêm trọng. Đặc biệt, tăng tỉ lệ tử vong chu sinh ở tuổi thai dưới 28 tuần. Các vấn đề sức khỏe có thể gặp bao gồm:

  • Cân nặng lúc sinh thấp.
  • Chức năng phổi chưa trưởng thành nên dễ bị suy hô hấp sau sinh và tử vong.
  • Hệ miễn dịch yếu làm tăng khả năng nhiễm trùng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi…
  • Rối loạn thân nhiệt: Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt do thiếu lớp mỡ dưới da. Đôi khi trẻ non tháng cũng bị tăng thân nhiệt do trung tâm điều nhiệt trung ương chưa hoàn thiện.
  • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ sinh non dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến việc nuôi ăn. Trẻ hay bị nôn trớ, tiêu chảy,  bú kém, trào ngược dạ dày-thực quản…Viêm ruột hoại tử cũng là một biến chứng nguy hiểm có thể gặp ở những trẻ non tháng.
  • Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này

Hàng năm nước ta có khoảng hơn 100.000 trẻ sinh non và đang là gánh nặng về bệnh tật, tử vong ở trẻ em. Tại Bến Tre, riêng huyện Thạnh Phú trong 9 tháng đầu năm 2024 có 13 trẻ sinh non trong tổng số 994 trẻ được sinh ra. Vì vậy, dự phòng giảm nguy cơ sinh non thực sự cần thiết và cần được ưu tiên trong các chiến lược về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Hưởng ứng Ngày Thế giới vì trẻ sinh non (17/11) năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú hướng dẫn một số hoạt động liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ nhằm giảm thiểu sinh non từ những nguyên nhân phòng tránh được bao gồm:

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi mang thai cần đi khám sàng lọc để được tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo khi mang thai có sức khỏe tốt nhất.
  • Chăm sóc thai nghén: tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý vấn đề về dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm.
  • Tránh các chất kích thích, tránh tiếp xúc thường xuyên với những tác nhân gây độc hại như: khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất...
  • Giảm stress, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng... Có thể tập thể dục nhẹ nhàng, nghe nhạc giúp giảm căng thẳng.
  • Nếu mẹ mắc bệnh lý trong thai kỳ như: Nhiễm độc thai nghén, thiếu máu, đái tháo đường... cần được kiểm soát và điều trị ổn định.
  • Không nên đi du lịch xa, tránh ngồi xe đường dài, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Trước khi sinh từ 6 đến 8 tuần nên nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh vận động mạnh.

Sinh non có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ sơ sinh, tăng nguy cơ tử vong chu sinh. Theo dõi thai kỳ thường xuyên là biện pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng sinh non, đặc biệt ở những thai phụ đã từng có tình trạng sinh non trước đó.




BS.CKI. BÙI XUÂN TƯƠI, CNHS. LÊ THỊ MINH NGUYỆT




Thông báo


Tìm kiếm

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO

Nobel Y Khoa 2016