tin tức sự kiện

Sài Gòn ‘tụ nước’
[ Cập nhật vào ngày (26/05/2018) ]


Sài Gòn ‘tụ nước’

Thứ sáu, 25/5/2018, 00:22 (GMT+7)  52 Lưu

Nước ở đường trước nhà tôi dâng cao hơn mỗi năm sau các trận mưa hay ngày thủy triều. Vì vậy, khi mưa to tôi cố gắng không đi đâu cả, ngồi ở nhà ngắm mưa.

Rất may, xóm chúng tôi đã góp một số tiền để làm con đường cao lên, chống lại nước ngập. Tuy nhiên, một vài lần mỗi năm, nếu mưa rơi rất nhiều và nhanh thì khu vệ sinh vẫn bị ngập bởi nước cống dâng lên.

Tôi hỏi anh Bình hàng xóm, ngày xưa đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 có bị ngập nhiều như bây giờ không. Anh nói không có đâu, chỉ mới mấy năm gần đây thôi. Tôi không bất ngờ nhiều về câu trả lời, vì năm sau tôi luôn thấy đường ngập sâu hơn năm trước.

Mùa mưa ở Sài Gòn, tôi thường thấy nhiều người phải đẩy xe máy của họ trong con đường đã thành sông vì động cơ không chịu nổi nước, bị chết máy. Tôi thấy vẻ mặt họ buồn, khổ và bực mình. Đặc biệt khi xe hơi đi qua, đánh sóng và văng nước lên người đi xe máy.

Tôi rất yêu quý hàng xóm và không muốn họ bị bất hạnh. Nhưng tôi khá bất lực vì biết cách người ta đang xử lý vấn đề nước ngập chỉ như một giải pháp tạm thời, giống như dán một miếng băng cá nhân vào một lỗ thủng lớn.

Ngay cả việc “dán băng dính” này cũng không được thực hiện đàng hoàng khi mới đây người ta phát hiện ra chính quyền sử dụng một cụm từ gọi là “điểm tụ nước” để nói về những con đường bị ngập. Tụ nước chứ không phải ngập, cho dù cái sự “tụ nước” này khiến nước dâng đến tận yên xe máy. Tôi không hiểu gọi tránh đi như thế để làm gì?

Hàng xóm nói rằng đường bị ngập là do quản lý không hiệu quả cơ sở hạ tầng. Nó làm tôi nghĩ về một thành ngữ tiếng Anh đại ý xây một căn nhà trên cát, tức một kế hoạch không hay, không có tầm nhìn. Nhưng chính xác trong bối cảnh này là “xây những căn nhà trên vùng đất ngập nước”.

Mực nước trung bình của các sông, kênh của thành phố tăng 1,5 cm mỗi năm. Những cơn mưa lớn có lưu lượng năm sau luôn vượt năm trước, triều cường mỗi năm lại đạt mức đỉnh mới. Các báo đều nói rằng sau 30 năm nữa vấn đề sẽ hết sức cấp bách. Tất cả cống sẽ không chảy được nữa vì đều dưới mực nước biển.

Bạn có thể dễ dàng tự mình nhận ra điều này khi lái xe xuống cuối đường Trần Xuân Soạn vào thời điểm mặt sông và mặt đường gần như ngang bằng nhau.

Các nhà khoa học thế giới dự đoán mực nước biển toàn cầu sẽ tăng ít nhất 8 cm trong vòng 10 năm tới, các quốc gia gần xích đạo, như Việt Nam, sẽ trải nghiệm mực nước biển cao hơn so với phía Bắc hoặc phía Nam. Tôi từng làm việc tại Đại học Thủy lợi vài năm trước. Rất nhiều nghiên cứu của họ chỉ ra rằng chúng ta không có giải pháp nào để giải cứu các khu vực ven biển phía Nam mà không phải trả một khoản tiền vô cùng lớn. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng trung tâm kinh tế đang có vấn đề với các dự án chống ngập hàng tỷ đô. Vấn đề như thế nào thì báo viết cả rồi. Họ bảo thiếu mặt bằng, thiếu tiền, thiếu nhiều thứ lắm.

Nhưng tôi cho rằng có dự án tỷ đô mà tư duy người ta vẫn thế thì không cứu vãn được tình hình. Nhiều nhà khoa học ở Việt Nam khẳng định thủy triều khó lường và thất thường ở Sài Gòn là do đô thị hóa và hành vi của con người nhiều hơn là do biến đổi khí hậu toàn cầu. Một hành vi rất đáng lên án chính là xả rác bừa bãi. Rác được thải với số lượng lớn, từ khu dân cư và sản xuất ở nhiều nơi, bít các dòng chảy và khiến mỗi khi ngập lụt con người phải bơi trong nước bẩn và rác do chính mình thải ra.

Song, những căn nhà và căn hộ vẫn đang được xây dựng liên hồi ngay bên cạnh dòng sông. Ở đây, tại Quận 7, dường như chưa ai từng nghĩ cần chuẩn bị gì cho tương lai ngập nước. Để đối mặt với tương lai ấy, thậm chí người ta phải xem lại cả việc có nên sống ở Sài Gòn hay không, quy hoạch thêm dân cư tại đây không, tiếp tục đè nặng hạ tầng lên thành phố đang “tụ nước” này không? Bởi vì nếu tiếp tục chất thêm những khối bê tông lên bề mặt thành phố, thì điều duy nhất ta có thể làm là tiếp tục dằn vặt nhau xem gọi là “tụ nước” hay “ngập nước” thì đúng hơn, và tìm cách dán băng dính lên từng chỗ ngập.

Làm sao để nhắc nhở con người đừng nghĩ rằng thế giới sẽ không bao giờ thay đổi và nên cảnh giác với từng hành động nhỏ của mình?

Hàng xóm thường nói với tôi: “Jess muốn thành công ở Việt Nam cần tìm một vợ. Để tìm được vợ, bạn cần phải mua nhà trước. Tại sao bạn không mua căn nhà đó? Hay mua căn hộ đó, ở đó?”.

Đôi khi tôi nói với họ tôi không nghĩ rằng nên mua một căn nhà ở đây. Có lẽ tốt hơn tôi nên mua một chiếc thuyền để đi vòng quanh như họ làm ở Miền Tây và ở Venice.

 




Trần Thanh Minh Theo Vnexpress




Thông báo


Tìm kiếm

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO

Nobel Y Khoa 2016